Hổ hay cọp, beo, hùm, khái…cùng họ với báo, mèo. Là loài thú hung dữ, sống dưới đất nhưng lại biết leo trèo cây và bơi lội nơi sông suối. Được người xưa nể sợ và suy tôn là “chúa sơn lâm”, “ông ba mươi”, thần hổ. Đó là một trong những sự thể hiện của tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái loài vật của người Việt Nam.
Trong 12 con giáp, Hổ (Dần) đứng hàng thứ ba của địa chi. Xuân Nhân Dần (2022) đất trời đổi mới tươi sang, thành phố Huế rực rỡ mai vàng hòa cùng màu lông vàng của những biểu tượng con Hổ đón chào xuân mới gợi nhớ lại những dấu tích đã ghi dấu hình tượng loài vật này trên khắp cố đô,
“Ngày Tết ở Phú Xuân” là bức tranh mô tả sinh động nhất trong loại tranh xưa lễ tết vào đầu thế kỷ 20 lấy bối cảnh trước Kỳ Đài Huế và hoạt động đấu voi và hổ chiếm phần lớn không gian của bức tranh này. Đây là nơi được vua Minh mạng cho tổ chức đấu voi và hổ trước những năm 1829. Năm 1830 (Canh Dần), nhà vua đã cho xây dựng Hổ Quyền, và các trận đấu được diễn ra ở nơi này và vài nơi khác cho đến thời vua Thành Thái (1904) trận đấu cuối cùng diễn ra tại trường đấu Hổ Quyền này.
Trên cửu đỉnh đặt tại Thế Tổ Miếu, con Hổ cũng được đúc nổi trên Cao Đỉnh và Báo trên Nhân Đỉnh và xuất hiện trên nhiều công trình di tích khác qua hình thức Hổ phù: Lưỡng long chầu Hổ phù, Lưỡng long chầu Hổ phù đội bầu Thái Cực… hình tượng này thường đặt giữa đỉnh mái các công trình quan trọng trong Hoàng thành và lăng tẩm. Nhưng đẹp và cân đối nhất là mặt Hổ phù trang trí ở các đầu hồi, cổng, bình phong với nghệ thuật khảm sành sứ hay đắp nổi nề hoạ tinh tế.
Và trên trang phục võ quan Triều Nguyễn, Hổ cũng được thêu nổi trên bổ tử quan phục tứ phẩm và thất phẩm.
Với tín ngưỡng hình tượng Hổ gắn liền với đạo mẫu Thiên Y A Na, con hồ luôn đi kèm với Ông Chín Thượng Ngàn, ông Hổ trong tôn giáo này là con vật linh thiêng được đặt thờ ở một nơi riêng biệt. Ta có thể thấy rõ ở các điện thờ mẫu tại Huệ Nam, Đình Hải Cát, Đền Vân Phụng (Thờ mẫu Liễu Hạnh), Phường An Đông, Kinh thương càn thành điện ở sau Hồ Tịnh Tâm (Đường Tô Ngọc Vân)…
Ngoài ra tại Võ thánh miếu, miếu Thành Hoàng ở các làng xã, trên bình phong cũng đắp nổi con Hổ như ở trên bình phong như ở Võ thánh miếu, Hoàng thành miếu tại phường An Đông.
Riêng tại Phú Bài, khu vực sân bay ngày nay xưa là vùng đất hoang vắng và rậm rạp. Tại đây có Chuông Hổ và miếu Ông Hổ, đến ngày nay nhân dân trong vùng vẫn thắp hương sùng kính.
Và có lẽ hình tượng con Hổ được thấy nhiều nhất là trên tranh dân gian Huế, qua các hình thức vẽ tay và in mộc bản; đặc biệt là tranh làng Sình. Hổ trên tranh vẽ trang trí 12 con giáp mà còn là linh vật để thờ cúng, nghi dụng, dán trước của nhà để trấn trạch, …trong tín ngưỡng của người Việt.
Không những thế, người dân còn đắp nổi hình tượng con hổ trên cổng nhà mình như nhà họa sĩ Đỗ Văn Lân ở phường An Đông.
Luận bàn về “chúa sơn lâm” oai linh chốn rừng thẳm – trong thơ ca hiện đại – chắc ai cũng nhớ bài thơ:
“Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,
Nơi ta không còn được thấy bao giờ!
(Nhớ rừng – Thế Lữ).
BM.
source
